Một số sự kiện trong ngày 21 tháng 04 Việt Nam
Huỳnh Thúc Kháng là một nhà học giả thời trẻ có tên là Hạnh, tự giới Sanh, hiệu Minh Viên, quê ở Thạch Bình, tổng Tiên Giang Thượng, tỉnh Quảng Nam (nay là huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
Đậu tiến sĩ năm 1904 nhưng ông không làm quan, nhiệt thành lo nước, thương dân, kết bạn thân tình với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, ông bị bắt năm 1908 và 1921 mới được trả tự do. Ông là một trong các nhân vật lãnh dạo phong trào Duy Tân năm 1908. Năm 1926 ông được cử làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kì.
Trong 3 năm hoạt động trong Viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân chống lại viên khâm sứ Pháp, ông từ chức và sáng lập ra tờ báo Tiếng dân. Làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo này tại Huế năm 1927–1943. Sau Cách mạng tháng Tám, ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ cộng hoà và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, ông được trao quyền Chủ tịch năm 1946. Ông cũng là một sáng lập viên và là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Bắt đầu cuộc Toàn quốc kháng chiến, ông được Chính phủ đặc phái vào liên khu V công tác, và sau đó do tuổi già sức yếu, ông bị mất tại Quảng Ngãi ngày 21/4/1947, thọ 71 tuổi.
Ngô Tất Tố là một nhà văn nhà báo lớn có rất nhiều bút danh, ông sinh năm 1894. Khoảng năm 1927–1929 ông vào Nam cộng tác với các báo rồi trở ra Bắc, chuyên tâm sáng tác, nghiên cứu văn học, sử học, triết học, nổi tiếng trong làng báo, làng văn trong thời 1930–1935.
Ông mất vào tháng 4/1954, ông đã để lại nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như: Tắt đèn viết năm 1939, Việc làng năm 1941, Lều chõng viết năm 1941, Thi văn bình chú viết năm 1941.
Từ 21 đến ngày 30/4/1959, tại Nhà hát thành phố Hà Nội đã tiến hành Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội (có ý nghĩa như Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ thành phố).
Dự hội nghị này có 236 đại biểu thay mặt cho 12 nghìn đảng viên.
Ngày 25/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với các đại biểu. Người nói: "Hà Nội phải trở thành thủ đô xã hội chủ nghĩa" và "Đảng Bộ Hà Nội gương mẫu sẽ góp một phần vào công cuộc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh để đấu tranh giành thống nhất nước nhà".
Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội gồm có 30 đồng chí, do đồng chí Trần Danh Nguyên làm Bí thư Thành uỷ.
Ngày 21/4/1975, quân ta giải phóng thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh cũ. 7 giờ sáng trung đoàn 4 (sư đoàn 6) phối hợp với nhân dân và công nhân ở "Sở ông Quế", đánh tan tiểu đoàn 2 chiến đoàn 43 sư 18 nguỵ khi chúng đang trên đường tháo chạy.
8 giờ sáng, nguỵ quân nguỵ quyền thuộc tỉnh Long Khánh tan rã hoàn toàn. Tuyến phòng thủ Xuân Lộc bị đập tan, cửa ngõ tiến quân vào Sài Gòn đã mở.
Trước những thắng lợi to lớn của ta ở chiến trường miền Nam, chính quyền Pho – Kitxinhgiơ ra lệnh di tản. Một lực lượng lớn không quân, hải quân Mĩ gồm 35 tàu chiến, có 4 chiếc tàu sân bay và hàng trăm máy bay hoạt động nhộn nhịp trong một cuộc hành quân rút chạy hốt hoảng bắt đầu từ ngày 21/4/1975.
Cùng ngày đó, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố rút khỏi cái gọi là "Tổng thống Việt Nam cộng hoà".
Mĩ đưa Trần Văn Hương, một tay sai đắc lực khác của Mĩ lên thay Thiệu.
Nguyễn Thành Châu (tức Năm Châu) sinh năm 1906, quê ở Mĩ Tho (tỉnh Tiền Giang), mất ngày 21/4/1978.
Ông bước vào sân khấu từ năm 15 tuổi. Trải qua 50 năm tận tuỵ yêu nghề, ông có nhiều đóng góp xây dựng và phát triển nghệ thuật cải lương nước nhà. Ông là nhà viết kịch bản, kiêm đạo diễn, diễn viên xuất sắc trong giới nghệ sĩ sân khấu cải lương.
Nghệ sĩ Năm Châu đã soạn gần 50 vở cải lương có giá trị. Ông được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét